GD&TĐ – Mặc dù, chính sách mở cửa về thương mại hàng hóa sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, nhưng việc cắt giảm thuế đang gây ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp nhựa trong nước.
Bởi hiện nay, thị phần của doanh nghiệp nhựa Việt Nam vẫn chủ yếu ở phân khúc bình dân. Đối với hàng cao cấp, giá trị lớn, lợi nhuận cao, sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ngoại nhập đang chiếm ưu thế hoàn toàn.
Hiệu quả thấp
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện Việt Nam đang có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhựa gia dụng chiếm 40%, nhựa bao bì 35%, nhựa kỹ thuật 13%, nhựa xây dựng 11%…
Trên thị trường, ở phân khúc bình dân, sản phẩm nhựa gia dụng của doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế. Theo bà Nguyễn Thanh Tình – Phó Giám đốc ngành hàng của hệ thống siêu thị Intimex, hiện tại các hệ thống siêu thị của Intimex mặt hàng nhựa của doanh nghiệp Việt chiếm khoảng hơn 90%, chủ yếu là thau, chậu, rổ, tủ… Giá cả hợp lý và chủng loại khá phong phú – nhưng chủ yếu là hàng giá rẻ. Còn các mặt hàng cao cấp đều thuộc về các thương hiệu nước ngoài và sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trái ngược với hàng trong nước (chiếm ưu thế thị phần nhưng lợi nhuận thấp), sản phẩm nhựa gia dụng của các doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu dù chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, nhưng lợi nhuận lại rất cao – đặc biệt các sản phẩm của những doanh nghiệp này sản xuất luôn khẳng định được thế mạnh và thương hiệu. Một số thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng phải kể đến Lock&Lock của Hàn Quốc, Kobuku của Nhật Bản, hay Picnic, Standard của Thái Lan…
Theo các chuyên gia ngành nhựa nhận định, nhựa là mặt hàng công nghiệp, sản xuất nhiều mới có giá tốt, nhưng những năm qua doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ nên hàng sản xuất ra kém cạnh tranh. Thêm nữa, thị trường nhựa cao cấp có độ phủ rộng, ngoài năng lực sản xuất phải có chiến lược quảng cáo, dịch vụ chuyên nghiệp trong khi doanh nghiệp trong nước rất yếu về kỹ năng này.
Có tận dụng được lợi thế?
Thực tế, tiềm năng của thị trường nhựa, đặc biệt nhựa gia dụng ở Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam hiện mới đạt mức 41 kg/người/năm, thấp hơn so với các nước trên thế giới (mức trung bình thế giới là 47 kg/người/năm, các nước châu Âu và Mỹ lên đến trên 100 kg).
Bên cạnh đó, kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp nhựa hiện nay chính là 3 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đáng chú ý, ngành nhựa sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ TPP do hiệp định này chỉ yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản xuất ở Việt Nam chứ không yêu cầu chứng minh xuất xứ của nguyên liệu như những mặt hàng khác.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng bản thân doanh nghiệp nhựa cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết, đổi mới công nghệ… nếu không, sẽ đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp FDI và các sản phẩm ngoại nhập.
Gặp khó khăn ở thị trường nội địa, hiện một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, tăng xuất khẩu vào 2 thị trường lớn là châu Âu và Mỹ. Mới đây, Nhựa Rạng Đông đã ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Công ty Sojitz Pla – net (thuộc Tập đoàn Sojitz – Nhật Bản) nhằm thúc đẩy phân phối sản phẩm chủ lực của Rạng Đông như bao bì phức hợp, giả da, màng nhựa PE/EVA, nguyên phụ liệu… vào các tập đoàn/doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và trên thế giới.
Trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, ngoài Rạng Đông, Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến cũng chuyển trọng tâm sang xuất khẩu. Hiện đơn vị này đã thông qua các đối tác từ châu Âu để sản xuất và gia công đồ chơi trẻ em với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, hướng tới xuất khẩu sang châu Âu…
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, việc một số doanh nghiệp nhựa chuyển hướng sang xuất khẩu hoặc liên kết, hướng tới xuất khẩu đang để lại một “khoảng trống” rất lớn trên “sân nhà”…